Để giảm ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM chi hơn 1.800 tỷ đồng để xây 2 cầu vượt thép ở các giao lộ và mở rộng 3 tuyến đường.
Sở Giao thông Vận tải vừa kiến nghị UBND TP HCM chấp thuận một số cơ chế đặc biệt để nhanh triển khai các công trình quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là những dự án đã được lãnh đạo thành phố đồng ý tạm ứng vốn nhằm giảm ùn tắc ở khu vực này.
Các tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc.
Các công trình bao gồm: cầu vượt thép chữ Y tại nút giao Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (quận Tân Bình) với kinh phí hơn 770 tỷ đồng (giai đoạn một là 394 tỷ đồng, giai đoạn 2 sẽ xây thêm hầm chui qua đường Trường Sơn); cầu vượt tương tự tại giao lộ Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) hơn 504 tỷ đồng.
Dự án cải tạo mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn vuốt nối đường Phổ Quang hiện hữu), quận (Phú Nhuận) với tổng mức đầu tư hơn 166 tỷ đồng (trong đó tiền giải phóng mặt bằng là 137,5 tỷ).
Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng Doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) với tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng (trong đó tiền giải phóng mặt bằng là 190 tỷ đồng) và cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, quận Tân Bình với kinh phí gần 143 tỷ đồng (trong đó tiền giải phóng mặt bằng là 104 tỷ đồng).
Theo Sở GTVT, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư những công trình trên đang thực hiện các bước theo quy định, song sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thành trong khi tình trạng ùn tắc quanh sân bay ngày càng phức tạp, vì vậy thành phố cần có cơ chế đặc thù để họ triển khai nhanh.
Với hai dự án xây cầu vượt, Sở GTVT muốn thành phố xin phép Thủ tướng cho thực hiện theo lệnh khẩn cấp và áp dụng hình thức chỉ định thầu (hình thức rút gọn) đối với các bước lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công.
Trước đó, đầu tháng 9, liên danh gồm 3 nhà đầu tư trong nước đã đề xuất xây đường trên cao chạy quanh sân bay Tân Sơn Nhất với tổng chiều dài hơn 5 km, rộng 7,5-12,5 m (tùy theo đoạn) để giải quyết ùn tắc giao thông ở khu vực này. Trong đó, đoạn chính đi trên cao bắt đầu từ đường Trường Sơn (sau ngã ba đường Cửu Long) rồi đi qua trước cửa nhà ga T2 (ga quốc tế), T1 (ga quốc nội) và nối đến nhà ga T3 (dự kiến sẽ xây dựng phía đường Hoàng Hoa Thám).
Hồi tháng 6, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) cũng đề xuất xây dựng đường trên cao số 1 dài 9,5 km nối sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP HCM với kinh phí khoảng 15.000 tỷ đồng.
Cửa ngõ Tân Sơn Nhất là điểm nóng về ùn tắc về giao thông vào giờ cao điểm do lượng xe lưu thông quá lớn. Thời gian gần đây, kẹt xe ở khu vực này còn xảy ra cả vào ban trưa. Để giảm ùn tắc, từ tháng 10, Sở GTVT TP HCM sẽ cấm xe tải hoạt động từ 6h đến 22h hàng ngày trên một số tuyến đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất như Trường Sơn, Phạm Văn Hai, Thăng Long...
Nguồn: VNExpress