Bộ trưởng Đinh La Thăng tiếp đoàn xúc tiến ngoại giao nhân dân Nhật Bản tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam
Chiều nay (2/11), Bộ trưởng Đinh La Thăng tiếp đoàn công tác Hiệp hội xúc tiến ngoại giao nhân dân Nhật Bản (FEC) do ngài Nakagaki Yoshihiko, Phó chủ tịch FEC dẫn đầu sang tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư GTVT tại Việt Nam.
Tới Việt Nam lần này, vào thời điểm Việt Nam sắp chính thức tham gia vào những hiệp định hợp tác đa phương lớn về kinh tế - thương mại với các nước đối tác trong khu vực và trên thế giới, đoàn muốn được nghe quan điểm của Bộ trưởng đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng GTVT Việt Nam trong tương lai cũng như định hướng phát triển kinh tế thời gian tới ở khu vực miền Trung và kế hoạch phát triển các loại hình vận tải đô thị lớn tại TP. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Nhân dịp này, các doanh nghiệp của Nhật Bản cũng muốn tìm hiểu và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu, kế hoạch đầu tư sân bay Long Thành. Một vấn đề được các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm là tìm hiểu các hình thức đầu tư nếu như ODA dành cho Việt Nam có khó khăn.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cảm ơn ngài Phó chủ tịch FEC cùng với đoàn đã tới tìm hiểu về phát triển hạ tầng GTVT Việt Nam. Theo Bộ trưởng, tiếp tục đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng GTVT được Chính phủ Việt Nam coi là 1 trong 3 lĩnh vực cần đột phá để thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước. “Những năm tới chúng tôi sẽ hoàn thành cảng biển trung chuyển quốc tế Lạch Huyện, sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam và 1 loạt các dự án khác.
Lĩnh vực đường sắt, chúng tôi sẽ trình Quốc hội cho đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Về giao thông tại các Thành phố lớn, đặc biệt Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi tập trung đầu tư theo quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị, chú trọng đầu tư cho kết nối hệ thống GTVT. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản để phát triển công nghiệp đóng tàu, vận tải biển", Bộ trưởng nói.
Đối với khu vực miền Trung, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo phát triển nhiều khu kinh tế ở đây như: Dung Quất, Chu Lai... Tại khu vực này cũng có thể phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, đóng tàu, đánh cá, nuôi trồng thủy sản, du lịch.
Sân bay Long Thành đã được Quốc Hội thông qua chủ trương đầu tư, sẽ triển khai 2018, hoàn thành 2023. Theo Bộ trưởng, khi Việt Nam đã ra khỏi danh sách nước kém phát triển, thì ODA dành cho Việt Nam sẽ giảm đi, do đó Việt Nam xác định huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để phát triển GTVT chứ không chỉ ODA. Hiện nhiều dự án đang được huy động đầu tư bằng nhiều hình thức huy động vốn, trong đó có hợp tác công tư PPP như: sân bay Long Thành, cảng Lạch Huyện…
"Chúng tôi hết sức hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư PPP vào các dự án cơ sở hạ tầng GTVT lớn này của Việt Nam. Bộ GTVT cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào các dự án TPP và các dự án về GTVT Việt Nam", Bộ trưởng cho biết.
Nguồn: Baogiaothong