Dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) đang thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Đã có 1 tổng công ty, 3 công ty trong nước và một công ty của Ấn Độ cùng mong muốn xây dựng tuyến đường này.
Theo một nguồn tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), một liên danh gồm 4 công ty, đứng đầu là Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn (Bộ Quốc Phòng) mới gửi văn bản đến Bộ GTVT bày tỏ mong muốn được làm nhà đầu tư của dự án đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài- tuyến cao tốc nối từ TPHCM đến sát cửa khẩu với Campuchia.
Liên danh các nhà đầu tư này khẳng định, với tiềm lực tài chính vững mạnh và đã có kinh nghiệm đầu tư các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam liên danh hoàn toàn đủ năng lực, kinh nghiệm để đầu tư đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
Bốn công ty tham gia vào liên danh gồm Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn (Bộ Quốc Phòng); Công ty cổ phần đầu tư Cái Mép; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thương mại Sông Hồng và Công ty IL&FS Transportation Networks Limited (ITNL) của Ấn Độ.
Trong liên danh có 3 công ty trong nước đã và đang tham gia đầu tư, xây dựng và thi công các dự án giao thông lớn tại Việt Nam. Còn công ty thứ tư, ITNL, được giới thiệu là công ty đầu tư phát triển hạ tầng mặt đất theo hình thức PPP/BOT lớn nhất của Ấn Độ (tính trên số kilômét làn đường) với danh mục tài sản đầu tư 14.680 km làn đường (tương ứng với 31 dự án). Doanh thu vận hành các dự án BOT hàng năm của ITNL đạt 1 tỉ đô la Mỹ với lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 70 triệu đô la. Đáng chú ý là ITNL cũng là đối tác mua lại 49% cổ phần dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng mới thông xe hôm 5-12.
Trước đó, hồi tháng 6-2015, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CPIM- Bộ GTVT) cũng đề xuất xây dựng đường cao tốc này theo hình thức BOT và vốn ngân sách nhà nước.
Trong đó, hợp phần BOT gồm 4 km đường vành đai 3, TPHCM, với mức đầu tư 1.830 tỉ đồng, và 51,5 km từ điểm cuối đường vành đai 3 đi theo hướng gần song song với Quốc lộ 22 hiện hữu với mức đầu tư là 12.631 tỉ đồng. Nếu tính cả lãi vay, tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1 là 16.360 tỉ đồng.
Còn hợp phần 2 bao gồm 20 km cầu cạn trên đường Xuyên Á và 9 km cầu cạn trên Quốc lộ 22. Tổng mức đầu tư của dự án thành phần 2 là 15.509 tỉ đồng, được đề xuất đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, cụ thể là vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)...
Nếu được Chính phủ và Bộ GTVT chấp thuận, Cửu Long CPIM dự kiến sẽ bắt đầu thi công từ quí 1-2018 và khai thác vào quí 1-2021.
Đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài có tổng chiều dài 84,5 km, điểm đầu tại nút giao Thủ Đức (giao giữa quốc lộ 1 và đường vành đai 3), điểm cuối tại ngã tư giao Quốc lộ 22 với đường tỉnh lộ 786, thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Theo dự báo của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam (Tedi South) lưu lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài đến năm 2040 đạt mức cao nhất 62.000 PCU/ngày đêm (PCU là phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn), trong khi lượng hàng hóa lưu thông giữa khu vực TPHCM và Tây Ninh cũng đang tăng nhanh.
Vì vậy, cần phải xây dựng tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài với quy mô tối thiểu 4 làn xe để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá được dự báo sẽ tăng mạnh những năm sau đó.
Sau khi hoàn thành, đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài cùng với Quốc lộ 22, Đường Hồ Chí Minh, đường vành đai 3 và 4 (TPHCM) sẽ tạo thành các trục giao thông kết nối các các tỉnh phía Nam và khu vực ASEAN gồm Bangkok - Phnompenh - TPHCM.
Nguồn: thesaigontimes