Nhiều công trình giao thông được hoàn thành năm 2015, trở thành điểm nhấn, tạo diện mạo mới về hạ tầng giao thông và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km, là tuyến đường rộng nhất cả nước với 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp. Tại lễ thông xe ngày 5/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tuyến cao tốc này đạt tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới, hiện đại nhất Việt Nam. "Con đường có nhiều ý nghĩa, nếu phương tiện đi từ Hà Nội đến Hải Phòng mất 2,5 giờ trên quốc lộ 5 thì nay chỉ trong 1-1,5 giờ", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói. Ngay sau khi hoàn thành, cao tốc này đã giúp giảm quá tải phương tiện trên quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng với lưu lượng hơn 9.000 lượt xe lưu thông mỗi ngày.
Quốc lộ 1 nâng cấp, mở rộng từ Thanh Hóa đến Cần Thơ. Ngày 26/12, đoạn quốc lộ 1 qua tỉnh Ninh Thuận dài 40 km đã được thông xe. Đây là đoạn cuối cùng của dự án mở rộng quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ dài 1.342 km đã được triển khai trong 3 năm. Trước đó đoạn Hà Nội - Thanh Hóa dài 133 km đưa vào khai thác năm 2013. Đi qua 20 tỉnh, thành phố, quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cần Thơ có quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp với chiều rộng nền đường 20,5 m, có dải phân cách cứng giữa 2 chiều xe chạy, đạt tốc độ lưu thông 60-80 km/h.
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (quốc lộ 14) đã hoàn thành mở rộng, nâng cấp vào tháng 7/2015 với chiều dài 420 km. Đường có 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, một số đoạn qua đô thị được mở rộng đến 4 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế đạt đến 80 km/h. Xuyên qua núi rừng Tây Nguyên, đường Hồ Chí Minh được nâng cấp đã xóa đi "con đường đau khổ" trước kia, tạo điều kiện cho người dân đi lại và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên.
Cầu Cổ Chiên. Ngày 16/5, cầu Cổ Chiên nối tỉnh Trà Vinh và Bến Tre được hoàn thành, xóa cảnh đi đò nhiều năm của người dân hai bờ sông. Cầu dài gần 1,6 km, rộng 16m, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h với tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng. Đây là một trong 4 cầu lớn trên quốc lộ 60 và là điểm kết nối quan trọng giữa quốc lộ này với các tuyến đường thuộc hành lang duyên hải phía đông đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng). Công trình đưa vào sử dụng đã rút ngắn hành trình 70 km từ TP HCM đến Trà Vinh, Sóc Trăng. “Cây cầu này là niềm mong mỏi bao đời của người dân Trà Vinh”, ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nói.
44 cầu đường sắt Bắc Nam. Ngày 26/12, cầu Tháp Chàm mới (địa bàn Ninh Thuận) đã được lắp dựng thay thế cầu Tháp Chàm cũ. Đây là cầu cuối cùng đánh dấu hoàn tất dự án thay thế 44 cầu tuổi thọ gần một thế kỷ nằm tại các điểm xung yếu của tuyến đường sắt Bắc Nam. Nhiều cầu được xây dựng tại khu vực miền Trung điều kiện thuỷ văn phức tạp, bom mìn còn sót lại, nên thường xuyên phải thay đổi biện pháp thi công. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Nhật Bản, đã được triển khai qua nhiều năm. Sau khi 44 cầu hoàn thành sẽ góp phần hiện đại hóa hạ tầng đường sắt, tàu Bắc Nam sẽ được rút ngắn hành trình chạy tàu xuống 2-3 giờ so với trước.
187 cầu treo dân sinh: Bộ Giao thông đã hoàn thành đề án xây dựng 187 cầu treo dân sinh tại 28 tỉnh miền núi trong 2 năm. Từ khi có cầu, nhiều bản làng của đồng bào dân tộc không còn bị chia cắt vào mùa mưa lũ như trước đây. Diện mạo của các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã thay đổi tích cực hơn. Giai đoạn 2 của đề án sẽ khởi động vào năm 2017 với mục tiêu xây dựng 295 cầu treo tại vùng sâu.
Cầu vượt ngã ba Huế là cầu vượt 3 tầng quy mô lớn nhất Việt Nam, khánh thành vào 29/3. Với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, công trình cầu vượt này được thiết kế 3 tầng, với tầng mặt đất, tầng 2 (vòng xuyến) và tầng 3 (dây văng). Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cầu vượt ngã ba Huế góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông giữa quốc lộ 1A giao với đường sắt Bắc Nam, đồng thời tạo điểm nhấn về kiến trúc giữa các khu đô thị nhộn nhịp để thu hút du lịch và thương mại.
Nguồn: vnexpress