Nguồn vốn tập trung cho hai dự án phát triển đô thị và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu...
Những tháng đầu năm nay, đồng bằng sông Cửu Long trải qua tình trạng hạn hán và xâm mặn nặng nề nhất trong 100 năm qua
Ngày 11/7, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký hiệp định cho các khoản vay và tín dụng trị giá 560 triệu USD hỗ trợ hai dự án tại đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là hai dự án phát triển đô thị và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm sinh kế bền vững tại khu vực này.
Trong nguồn vốn trên, 250 triệu USD sẽ dành cho dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị nhằm giảm nhẹ rủi ro lũ lụt và cải thiện kết nối giao thông giữa trung tâm thành phố với các khu đô thị mới. Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho 420.000 dân sống tại thành phố và giúp chính quyền quản lý rủi ro thiên tai tốt hơn.
Khoản 310 triệu USD còn lại sẽ giúp xây dựng năng lực chống chịu khí hậu và đảm bảo sinh kế bền vững cho 1,2 triệu dân sinh sống tại 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu long bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển và lũ lụt.
“Các hiện tượng thời tiết khốc liệt tại đồng bằng sông Cửu Long gần đây, bao gồm lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn đã tác động tiêu cực lên đời sống người dân trong khu vực - kể cả khu vực đô thị và nông thôn, và đa số trong đó là người nghèo. Chúng tôi tin tưởng những dự án ký hôm nay sẽ đóng góp việc hỗ trợ khu vực thích ứng bền vững với biến đổi khí hậu tốt hơn”, ông Achim Fock, quyền Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nói.
Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực quy hoạch theo hướng thích ứng với khí hậu cũng như năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu trong quản lý sử dụng nguồn đất và nước.
Dự án này sẽ đem lại những lợi ích trực tiếp cho nông dân (nhất là những người sản xuất lúa gạo) ở các tỉnh nằm ở phía thượng nguồn vùng châu thổ, cũng như các hộ dân nuôi trồng thủy sản, làm ngư nghiệp tại các tỉnh ven biển ở khu vực này, trong đó có người dân tộc thiểu số Kh’me ở hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh
Nguồn: VNEconomy