Trong số gần 19,3 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc chiếm hơn 30%, trở thành nước dẫn đầu về đầu tư FDI tại Việt Nam.
Theo số liệu cập nhật của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) thuộc Bộ kế hoạch và Đầu tư, tính chung trong 10 tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của Hàn Quốc tại Việt Nam là hơn 6,22 tỉ đô la Mỹ. Trong đó đáng chú ý là nguồn vốn tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động rất cao.
Cụ thể trong tổng số vốn cam kết nói trên thì số vốn đầu tư của các dự án mới chỉ đạt 2,278 tỉ đô la Mỹ (583 dự án mới), trong khi vốn tăng thêm của 257 lượt dự án đang hoạt động cùng thời gian này lên đến 3,942 tỉ đô la Mỹ. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Hàn Quốc ngày càng tin tưởng vào môi trường đầu tư trong nước nên mới quyết định tăng thêm vốn mở rộng đầu tư.
Một điểm đáng chú ý khác là của nguốn vốn đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, chiếm hơn 90% tổng vốn đăng ký. Cụ thể, trong 10 tháng qua Hàn Quốc có 330 dự án đầu tư đăng ký mới và 217 lượt dự án tăng vốn trong lĩnh vực này, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 5,633 tỉ đô la Mỹ. Đáng chú ý nhất là dự án tăng thêm 3 tỉ đô la Mỹ của Công ty Samsung Display Việt Nam tại khu công nghiệp Yên Phong 1, Bắc Ninh để sản xuất, lắp ráp các loại màn hình điện tử.
Các lĩnh vực đầu tư còn lại có số vốn cam kết rất thấp. Cụ thể như lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai nhưng chỉ có ba dự án đăng ký cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 200 triệu đô la Mỹ, chiếm 3,2% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với 64 dự án đầu tư mới và 6 lượt dự án tăng vốn, với tổng giá trị là 94,2 triệu đô la Mỹ.
Ngoài ra, xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu là theo hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài. Số vốn đầu tư theo hình thức này chiếm đến 96% tổng vốn đầu tư đăng ký của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Ngoài Hàn Quốc, Việt Nam cũng thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư Nhật Bản trong năm qua. Cụ thể, theo FIA, trong 10 tháng đầu năm nay Nhật Bản có 258 dự án cấp mới và 137 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt hơn 1,48 tỉ đô la Mỹ.
Nguồn vốn của doanh nghiệp Nhật Bản vào lĩnh vực chế tạo-chế biến chiếm 51%. Đứng thứ hai là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 354,4 triệu đô la Mỹ (chiếm 24% tổng vốn đầu tư) và lĩnh vực bất động sản với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 146,8 triệu đô la Mỹ, chiếm 10%.
Theo FIA, trong 10 tháng năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các dự án FDI cả nước là 19,29 tỉ đô la Mỹ, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực ở Việt Nam, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 816 dự án đầu tư đăng ký mới và gần 500 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12,49 tỉ đô la Mỹ, chiếm 64,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với 7 dự án đăng ký cấp mới và 5 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn là 2,61 tỉ đô la Mỹ, chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực bất động sản với 25 dự án đầu tư mới và 8 lượt dự án tăng vốn, với tổng giá trị là 2,13 tỉ đô la Mỹ chiếm 11,1% tổng vốn đầu tư.
Nguồn: thesaigontimes